Rất nhiều anh em khi sử dụng VPS tại các nhà cung cấp đều quan tâm đến thông số RAM, đặc biệt là luôn muốn lượng RAM lúc nào cũng dư nhiều một chút để VPS…chạy nhanh hơn. Suy nghĩ này thực sự chưa đúng và sẽ tự làm khổ tâm chính mình thôi, vì sao lại như vậy thì mời các bạn đọc tiếp bài viết.
Lệnh kiểm tra tài nguyên RAM trên Linux
Để kiểm tra thông số này trên Linux, ta có thể sử dụng lệnh free với option -h như ví dụ sau, VPS của chúng ta đang có 8GB:
[root@vps1 ~]# free -h
total used free shared buff/cache available
Mem: 7.6Gi 917Mi 4.5Gi 360Mi 2.2Gi 6.2Gi
Swap: 0B 0B 0B
Thoạt đầu nhìn vào các thông số hiển thị trong kết quả, chắc chắn sẽ có nhiều người thấy rằng RAM của mình còn lại ít quá do thông số free chỉ còn lại khoảng 1 nửa mặc dù chưa cài đặt gì cả, từ đó sẽ có suy nghĩ rằng nếu cài thêm vài phần mềm nữa chắc VPS sẽ không đủ tài nguyên để hoạt động mất, phải giải phóng bớt memory cho VPS thôi. Thật ra mọi thứ không như những gì bạn đang nghĩ, chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu một chút nhé.
Giải thích thông số buff/cache
Đối với Linux, mặc định hệ điều hành sẽ tự tối ưu hiệu năng cho chính nó bằng cách đưa một số dữ liệu từ ổ cứng lên RAM để cache lại nhằm tăng tốc độ truy xuất một số dữ liệu (tốc độ đọc/ghi của RAM nhanh hơn ổ cứng rất nhiều). Ngoài ra hệ điều hành còn sử dụng RAM để làm vùng lưu trữ buffer, vùng này sẽ lưu tạm các file cần xử lý trong các tác vụ mà CPU không cần phải xử lý ngay, sau khi xử lý xong các tác vụ này, bộ nhớ buffer sẽ được giải phóng. Đó là lý do vì sao thông số buff/cache luôn chiếm một lượng RAM.
Tuy là vậy, nhưng khi các phần mềm khác được cài lên VPS, bộ nhớ buff/cache này sẽ được co giãn cho phù hợp để nhường chỗ cho các phần mềm khác, vì vậy mà anh em không cần phải lo nghĩ nhiều về buff/cache. Nếu cần xem dung lượng RAM đang còn có thể sử dụng được, có thể nhìn vào thông số available thay vì free.
Qua bài viết này, hi vọng mọi người đã có cái nhìn rõ hơn về các thông số được hiển thị trong lệnh free -m hoặc free -h và yên tâm về lượng RAM mà buff/cache sử dung. Nếu cần giải đáp thêm về RAM trên Linux hoặc có thắc mắc nội dung trong bài viết, xin đừng ngần ngại để lại comment bên dưới để đóng góp ý kiến cho bài viết tốt hơn.
Leave A Comment?